Nhiều chính sách hỗ trợ lao động nghèo đi xuất khẩu lao động. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ đưa người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống ở miền núi đi nước ngoài làm việc.
Riêng trong năm 2022, nhiều văn bản pháp luật liên quan đến chính sách hỗ trợ người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục được ban hành.
Đơn cử, ngày 6/9/2022, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư 17/2022/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Thông tư này nêu rõ, người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đi nước ngoài làm việc được hỗ trợ đào tạo bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ và các thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Các doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp khi tuyển chọn lao động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phối hợp với cơ quan LĐ-TB&XH tại địa phương thực hiện hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thông qua cơ chế đấu thầu, đặt hàng với các cơ sở dạy nghề, ngoại ngữ, doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Trường hợp người lao động đăng ký đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đã hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ đã đủ điều kiện xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài, cơ quan LĐ-TB&XH thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.
Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có trách nhiệm hỗ trợ người lao động cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ để nhận hỗ trợ.
Ngoài ra, nhà nước còn hỗ trợ nâng cao năng lực cán bộ làm công tác đưa người đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài và tuyên truyền viên cơ sở ở các cấp (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản); hỗ trợ cho các Trung tâm dịch vụ việc làm đã giới thiệu việc làm thành công (có giao kết hợp đồng lao động) cho người lao động là người dân tộc thiểu số nhằm khuyến khích các đơn vị tham gia hoạt động này.
Cũng liên quan đến nội dung này, vừa qua, Cục việc làm phối hợp với Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 -2025 trong lĩnh vực việc làm.
Đây là hội nghị nhằm triển khai các hoạt động thuộc tiểu dự án 4.2 về tạo việc làm và hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tiểu dự án 4.3, hỗ trợ việc làm bền vững của chương trình.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Tố Hằng, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết nhiều năm qua lao động nghèo đã được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài để tạo việc làm bền vững. Đặc biệt, lao động nghèo hoặc cư trú trên các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo…. được hỗ trợ theo Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo.
Đáng chú ý, các lao động khi đi làm việc ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề; tiền ăn ở; tiền sinh hoạt phí….
Cụ thể, hỗ trợ tiền học tiếng là 4 triệu đồng/người/1 khóa, tiền ăn 50 nghìn đồng/người/ngày; hỗ trợ tiền ở là 400 nghìn đồng/1 người/khóa học. Lao động cận nghèo, hộ mới thoát nghèo cũng được hỗ trợ, nhưng mức hỗ trợ thấp hơn, chỉ bằng 70% so với hộ nghèo.
Ngoài các đối tượng trên, những lao động khác sống tại huyện nghèo cũng được hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, hỗ trợ tiền ăn… Mức hỗ trợ tối đa bằng 50% so với các nhóm đối tượng trên.
Bình luận