Những nhiệm vụ khó dành cho Bộ LĐ-TB&XH trong năm 2023 về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần

Ngày 7/2, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Ủy ban Xã hội của Quốc hội có buổi làm việc về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đồng chủ trì cuộc họp. Rút bảo hiểm xã hội một lần có nên được hưởng đủ 22%?

Những nhiệm vụ khó dành cho Bộ LĐ-TBXH trong năm 2023 - 1
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Ủy ban Xã hội của Quốc hội họp bàn về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, dự kiến việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, giai đoạn 2020 – 2022, hai cơ quan phối hợp nhiều công việc với khối lượng lớn, nội dung khó, phức tạp, thời gian ngắn được Quốc hội đánh giá rất cao, đơn cử như luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài hay các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động vượt qua dịch Covid-19.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận định, năm 2023 cho đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Xã hội của Quốc hội sẽ có rất nhiều việc cần phối hợp.

Những nhiệm vụ khó dành cho Bộ LĐ-TBXH trong năm 2023 - 2
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.

Góp ý thêm, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban này, TS. Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, từ bài học phát triển bảo hiểm y tế để đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số hiện nay, hướng xây dựng các chính sách phải chú trọng hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội toàn dân, bắt buộc, trong đó việc đầu tiên là mở rộng đối tượng tham gia.

“Cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu làm sao để khuyến khích người dân không rút bảo hiểm xã hội một lần mà có thể chốt sổ, bảo lưu khoản đóng, đến khi đủ điều kiện thì được rút ra” – ông Lợi gợi ý có thể thiết kế quy định để người lao động có thể rút 8% (phần người lao động đóng – PV), còn 14% (phần người sử dụng lao động đóng) sau này sẽ phân phối lại khi người đó nghỉ hưu.

Những nhiệm vụ khó dành cho Bộ LĐ-TBXH trong năm 2023 - 3
Theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Bùi Sỹ Lợi, tập trung xây dựng luật là một vấn đề nhưng đảm bảo chính sách cho người lao động còn quan trọng hơn.

Về Luật Việc làm, ông Lợi cho rằng, vấn đề quản trị nguồn nhân lực quốc gia là quan trọng nhất. Còn hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm, khu vực tư nhân phải chiếm đa số so với hệ thống nhà nước. Tiếp đó, luật phải giải quyết việc thúc đẩy chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức và tập trung chính thức hóa thị trường lao động khu vực phi chính thức.

“Tập trung xây dựng luật là một vấn đề nhưng đảm bảo chính sách cho người lao động còn quan trọng hơn”, ông Lợi nói.

Những luật khó nhất cũng tìm được hướng giải quyết!

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trước và sau Tết Nguyên đán, Bộ LĐ-TB&XH đã tập trung để đảm bảo tốt các chính sách xã hội, nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều lo lắng về thị trường lao động, nhất là vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng. Tuy vậy, đến nay, với các chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà trực tiếp là Quốc hội, các cân đối lớn trên thị trường đều được đảm bảo, duy trì sự ổn định.

Về công tác phối hợp giữa Bộ LĐ-TB&XH và Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, hai cơ quan phối hợp với nhau nhịp nhàng, ăn ý, luôn đồng hành cùng nhau.

“Bộ luật Lao động, Pháp lệnh ưu đãi người có công quá trình xây dựng khó khăn như thế, có những lúc tưởng chừng bế tắc mà cuối cùng chúng ta vẫn tìm ra hướng giải quyết. Nghị định số 75/2021/NĐ-CP, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP sau đó (hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công – PV) là những chính sách rất cụ thể đã được ban hành”, Bộ trưởng dẫn chứng.

Những nhiệm vụ khó dành cho Bộ LĐ-TBXH trong năm 2023 - 4
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị và phân công các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Ủy ban xã Hội của Quốc hội từ sớm để triển khai các nhiệm vụ được giao một cách kịp thời, có hiệu quả.

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh, 2023 là năm bản lề, thách thức lớn, áp lực nhiều, khó khăn sẽ gia tăng. Do đó, ông yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị của Bộ đoàn kết, nỗ lực hơn nữa, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Bộ trưởng đề nghị, để vượt qua thách thức, bên cạnh quyết tâm chính trị cao, còn cần phải tìm ra điểm mới, thích hợp nhất với thực tế, làm sao vừa đáp ứng yêu cầu của đất nước, vừa tiệm cận với quy chuẩn quốc tế.

Đối với các dự án luật, pháp lệnh, dự kiến việc phê chuẩn các điều ước quốc tế năm 2023 và đến hết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp thu góp ý của các đại biểu đồng thời phân công các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Ủy ban xã Hội của Quốc hội từ sớm để triển khai các nhiệm vụ được giao một cách kịp thời, có hiệu quả.

“Nếu chúng ta làm được, Nghị quyết Trung ương 7 sẽ mở ra cánh cửa giải quyết các vấn đề về các chính sách”, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Bình luận