Bộ Lao động Saudi Arabia vừa chính thức ban hành lệnh cấm các lao động nước ngoài làm việc trong 12 ngành nghề thuộc khu vực tư nhân tại nước này, chủ yếu trong lĩnh vực là bán lẻ và dịch vụ; áp dụng dần cho tới tháng 9 năm nay.
Đây là một trong những bước đi tiếp theo trong kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế hậu dầu mỏ, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy nữ giới tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên, trên thực tế chính sách này trước mắt lại gây ra những xáo trộn không đáng có tại quốc gia này.
Chỉ cần tới khu chợ bán vàng nổi tiếng Tiba tại thủ đô Riyadh – một trong những nơi tập trung đông đảo lao động nước ngoài làm thuê nhất Saudi Arabia, sẽ bắt gặp những phản ứng đầu tiên.
Tại Saudi Arabia, những công việc lao động chân tay, phục vụ hay bán hàng hiện do những lao động nước ngoài làm, chiếm tới 85% khu vực tư nhân.
Trong khi đó, 70% người dân bản xứ làm việc trong lĩnh vực công và hưởng phúc lợi cao từ khi mới sinh ra.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá dầu giảm cộng thêm tỷ lệ người dân bản xứ không muốn làm việc và không tìm được việc tăng, đã đẩy áp lực lên quỹ phúc lợi. Trong khi số tiền khổng lồ lao động nước ngoài kiếm được lại chảy về nước họ chứ không đóng góp gì nhiều cho ngân sách. Điều này cần phải được thay đổi.
Chưa biết các biện pháp “cắt cơn nghiện” dầu mỏ bằng cách hạn chế lao động nước ngoài sẽ thành công đến đâu nhưng lúc này, nhiều cửa hàng vàng tại chợ Tiba đã phải đóng cửa vì không thuê được nhân công, một số thì buôn bán cầm chừng. Điều này đang khiến cho các tiểu thương tại đây thiệt hại lớn.
Theo đánh giá, quá trình chuyển đổi này phải mất ít nhất 5 – 10 năm chứ không thể trong vài tháng
Bình luận