Chỉ 2 tháng đầu năm, TPHCM có 17.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp

Sở LĐ-TB&XH TPHCM vừa có văn bản gửi Cục Thống kê thành phố nhằm cung cấp các số liệu phục vụ biên soạn GRDP sơ bộ quý IV và cả năm 2022, ước tính quý I năm 2023. Theo các dữ liệu của đơn vị này, tình hình đảm bảo việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp đang ở mức độ cần chú ý nhưng chưa đến mức bi quan tuy nhiên số người hưởng trợ cấp thất nghiệp lại tăng lên đáng kể.

Theo kết quả khảo sát vừa thực hiện tại 3.795 đơn vị, thành phố có 30,75% doanh nghiệp phản ánh lao động giảm, 50,65% giữ nguyên số lượng lao động và 18,6% doanh nghiệp tăng lao động. Nhóm cắt giảm lao động chủ yếu rơi vào các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực giày da – dệt may, xây dựng, chế biến lương thực thực phẩm.

Chỉ 2 tháng đầu năm, TPHCM có 17.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp - 1
Các nhóm doanh nghiệp cắt giảm lao động chủ yếu thuộc lĩnh vực giày da – dệt may, xây dựng, chế biến lương thực thực phẩm (Ảnh: P.N.).

Sở LĐ-TB&XH đưa ra dự báo, trong quý II/2023, hơn 71% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ, gần 21% doanh nghiệp tăng. Hơn 7% doanh nghiệp sẽ giảm lao động do thiếu đơn hàng, không tái ký hợp đồng lao động hết hạn và một số lý do khác.

Ngoài ra, trong quý II/2023, dự kiến 851/3.795 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, nhu cầu tuyển lao động qua đào tạo là 8.229 người, chưa qua đào tạo là 5.441 người. Hơn 1.400 doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển thêm và hơn 1.500 đơn vị chưa biết có tuyển dụng thêm hay không.

Trong năm 2022, toàn địa bàn TPHCM có hơn 146.000 người đã hưởng trợ cấp thất nghiệp. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 2, thành phố đã thống kê được hơn 17.000 người hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Sở LĐ-TB&XH cho biết, đa số người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp đã được tư vấn, giới thiệu việc làm để nhanh chóng quay lại thị trường lao động. Tuy nhiên, người lao động có xu hướng muốn nhận đủ số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi được tư vấn, giới thiệu việc làm và họ sẵn sàng chuyển sang khu vực phi chính thức để không tham gia bảo hiểm xã hội.

Về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, TPHCM có gần 2,6 triệu người làm việc ở khu vực chính thức có tham gia bảo hiểm xã hội trong năm 2022. Đến năm 2023, số lượng này là hơn 2,5 triệu người, gần 99.000 lao động đã rời khỏi khu vực làm việc chính thức. Gần 62.000 đơn vị trên địa bàn đang nợ bảo hiểm xã hội.

Sở LĐ-TB&XH TPHCM nhìn nhận, cuối năm 2022 và đầu năm 2023, tình hình chính trị và kinh tế thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với doanh nghiệp có các đối tác, khách hàng nước ngoài. Hệ quả là tình hình lao động trong nước cũng gặp khó khăn nhất định trong thời điểm này.

Nguồn: Dân Trí.

Bình luận