Gửi câu hỏi đến Dân trí, một người nước ngoài tên John đến Việt Nam để du lịch nhưng sau đó đã xin việc và được nơi công tác hứa làm giấy phép lao động. Tuy nhiên, khi giấy phép chưa xong thì visa của John hết hạn. Người này thắc mắc về hình thức xử lý đối với việc không xuất cảnh dù visa hết hạn? Liệu John có thể yêu cầu phía nơi công tác chịu trách nhiệm?
Theo luật sư Trần Hậu, Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng, trường hợp trên, đơn vị nơi John làm việc có trách nhiệm xin cấp Giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài, theo quy định tại Điều 152 Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 11 Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Đối với hình thức xử lý, luật sư Hậu cho biết, theo quy định tại Điều 30, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, người nước ngoài có thể bị buộc xuất cảnh trong trường hợp hết thời hạn tạm trú nhưng không xuất cảnh.
Bên cạnh đó, Điều 44 của Luật này cũng nêu: Người nước ngoài hoạt động tại Việt Nam phải phù hợp với mục đích nhập cảnh. Như vậy, John nhập cảnh Việt Nam với visa du lịch, mục đích du lịch thì khi làm việc cho một đơn vị nào đó, John phải chuyển đổi mục đích visa du lịch thành visa lao động.
Luật sư Hậu nhận định mặc dù đơn vị thuê John làm việc có sự chậm trễ trong việc xin cấp Giấy phép lao động, nhưng việc ở lại Việt Nam quá hạn visa du lịch là trách nhiệm cá nhân của John.
Vì vậy, John buộc phải chịu trách nhiệm theo Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Hình thức xử phạt là phạt hành chính từ 500.000 đồng đến 20 triệu đồng tùy theo số ngày sử dụng chứng nhận tạm trú quá hạn. Hành vi sử dụng chứng nhận tạm trú quá hạn còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là trục xuất.
Bình luận