Xử lý hàng chục tổ chức không có giấy phép đưa người đi làm việc nước ngoài

Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng để xử lý các cá nhân, tổ chức không có chức năng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhưng bị phát hiện có dấu hiệu tội phạm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, năm 2021 xử lý 123 vụ việc phát sinh liên quan đến 68 tổ chức không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2022, cũng xử lý 65 tổ chức không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong các năm 2020 và năm 2021 sụt giảm đáng kể, chỉ đạt 45.058 năm 2021.

Tuy nhiên, sau khi tình hình dịch được khắc phục, các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ, người lao động được triển khai đồng bộ với các chính sách thích ứng của Chính phủ trong tình hình mới, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng lên.

Năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 142.779 lao động, đạt 158,64% kế hoạch.

Xử lý hàng chục tổ chức không có giấy phép đưa người đi làm việc nước ngoài - 1
Lao động đi làm việc nước ngoài tăng lên nhanh chóng sau dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: CTV).

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 72.294 lao động đạt 65,72% kế hoạch năm và gấp hơn 1,55 lần so với cùng kỳ năm trước.

Theo báo cáo của Chính phủ, thị trường lao động ngoài nước mặc dù được mở rộng nhưng số lượng lao động đưa đi tập trung vào một số thị trường chính như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.

Vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài lợi dụng hoạt động này để lừa đảo, gây thiệt hại cho người lao động và gây bức xúc cho xã hội.

Thời gian tới, Chính phủ yêu cầu cần bổ sung, hoàn thiện pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới.

Thường xuyên rà soát, điều chỉnh đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật có liên quan đến công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo bao quát các đối tượng, loại hình lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đồng thời, kịp thời phát hiện và đấu tranh, ngăn chặn hoạt động các loại tội phạm trong lĩnh vực này, nhất là các hành vi tổ chức, môi giới cho người Việt Nam xuất cảnh trái phép hoặc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bình luận