Người lao động khi đăng ký đi xuất khẩu lao động Trung Đông (Ả Rập Xê Út, UAE, Qatar, Oman…) xuất khẩu lao động Nhật Bản, xuất khẩu lao động Algeria,… ở nước ngoài cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ cá nhân như: Sơ yếu lý lịch, ảnh hồ sơ, chứng minh thư, sổ hộ khẩu và cần chú ý chuẩn bị các giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, giấy tư pháp, hồ sơ sức khỏe, hồ sơ vay vốn (nếu cần).
1. Hướng dẫn làm hộ chiếu
Hộ chiếu là gì ? Hộ chiếu (passport) là một loại giấy tờ quan trọng do một chính phủ cấp cho công dân nước mình như một giấy phép được quyền xuất cảnh khỏi đất nước và được quyền nhập cảnh trở lại từ nước ngoài.
Hộ chiếu Việt nam hiện nay có thể chia làm 03 loại:
– Hộ chiếu Phổ Thông (Popular Passport): được cấp cho mọi công dân Việt nam, có hộ khẩu và Chứng minh nhân dân, có đầy đủ quyền công dân. Hộ chiếu có giá trị trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp, được quyền đến tất cả các nước. Người cầm hộ chiếu này khi nhập cảnh tại các cửa khẩu quốc tế phải qua các lối đi thông thường và có thể được miễn visa nhập cảnh theo qui định của các nước đến. Người du học hoặc xuất cảnh định cư cũng sử dụng hộ chiếu phổ thông.
– Hộ Chiếu Công Vụ (Official Passport): được cấp cho các quan chức chính phủ đi nước ngoài do công vụ của nhà nước. Hộ chiếu có giá trị trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp, được quyền đến tất cả các nước. Người cầm hộ chiếu này có quyền ưu tiên qua các cổng đặc biệt khi nhập cảnh và được ưu tiên miễn visa nhập cảnh theo qui định của nước đến.
– Hộ Chiếu Ngoại Giao (Diplomatic Passport): được cấp cho các quan chức ngoại giao của chính phủ đi nước ngoài công tác. Hộ chiếu có giá trị trong vòng 10 năm kể từ ngày cấp, được quyền đến tất cả các nước. Người cầm hộ chiếu này có quyền ưu tiên qua các cổng ưu tiên đặc biệt khi nhập cảnh và được ưu tiên miễn visa nhập cảnh theo quy định của nước đến.
Hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu gồm:
– 01 tờ khai theo mẫu (khai đầy đủ các cột, mục theo hướng dẫn tại phần Chú thích của tờ khai).
– 02 ảnh mới chụp, cỡ 4×6 cm, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu, phông nền trắng (01 ảnh dán vào khung phía trên tờ khai, 01 ảnh dán vào mặt sau tờ khai).
– Khi nộp hồ sơ phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân còn giá trị sử dụng. Nếu tạm trú phải xuất trình thêm sổ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp để kiểm tra, đối chiếu.
2. Hướng dẫn làm tư pháp
Lý lịch tư pháp là gì ? Lý lịch tư pháp (gọi chính xác là Phiếu lý lịch tư pháp) là một loại giấy tờ xác nhận cá nhân có hoặc không có tiền án tiền sự do Sở Tư pháp cấp. Mục đích sử dụng của Phiếu lý lịch tư pháp thường là để xuất cảnh ra nước ngoài, xin cấp giấy phép đầu tư – đăng ký kinh doanh, hoặc đi làm việc, gia nhập đoàn luật sư…
Lý lịch tư pháp được chia thành 2 loại:
– Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp theo yêu cầu của công dân Việt Nam, người nước ngoài đã hoặc đang cư trú tại Việt Nam và cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội để phục vụ công tác quản lý nhân sự, hoạt động đăng ký kinh doanh, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.
Thủ tục xin cấp lý lịch tư pháp:
– Tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp (theo mẫu).
– Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu (bản sao kèm bản chính để đối chiếu).
– Sổ hộ khẩu hoặc sổ đăng ký tạm trú hoặc Thẻ thường trú (bản sao kèm bản chính để đối chiếu) hoặc giấy xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về nơi cư trú.
Trong trường hợp cá nhân ủy quyền yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1 thì phải kèm: văn bản ủy quyền đã được công chứng, chứng thực hợp lệ và chứng minh nhân dân (bản sao kèm bản chính để đối chiếu) của người được ủy quyền. Trường hợp người yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người được cấp Phiếu lý lịch tư pháp thì không cần văn bản ủy quyền nhưng phải xuất trình giấy tờ chứng minh mối quan hệ nêu trên.
Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Ngoài ra, người yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch Tư pháp thuộc đối tượng được miễn hoặc giảm lệ phí phải xuất trình các giấy tờ để chứng minh.
3. Hướng dẫn khám sức khỏe
Để tránh việc phải về nước trước hạn, phát sinh bệnh tật dẫn đến rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài. Người lao động trước khi ứng tuyển phải đến các Bệnh viện, cơ sở y tế để tiến hành khám sức khoẻ đi xuất khẩu lao động.
Theo quy định hiện hành người lao động phải đến các bệnh viện khám sức khỏe đi nước ngoài theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam (Bệnh viện chỉ định).
4. Hướng dẫn vay vốn ngân hàng
Người lao động cần xách định mình thuộc đối tượng nào và thủ tục như thế nào để có thể vay vốn tại ngân hàng địa phương.
Vay tại Ngân hàng:
– Gia đình lao động thuộc đối tượng chính sách thì vay vốn tại Ngân hàng chính sách.
– Đối tượng còn lại vay tại Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).
– Người đứng tên để vay vốn là người nhà lao động (bố, mẹ, vợ, chồng…).
– Ngân hàng chỉ không cho vay vốn đối với những hộ gia đình đã vay vốn Ngân hàng nhưng khoản vay đó đến hạn không thanh toán và đã chuyển thành nợ quá hạn.
Hồ sơ vay vốn:
Công ty xuất khẩu lao động sẽ chuyển cho người lao động những mẫu giấy tờ sau:
– Hợp đồng ký giữa Công ty và người lao động.
– Bản cam kết trả nợ vốn vay.
– Giấy xác nhận tuyển dụng.
– Gia đình lao động sẽ phải mang hồ sơ nói trên đến Ngân hàng làm thủ tục vay vốn.
Thủ tục vay vốn:
– Gia đình lao động phải ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng.
– Lao động sẽ phải mở tài khoản tại Ngân hàng.
– Khi làm xong thủ tục vay tiền, Ngân hàng sẽ trả cho gia đình lao động tờ Uỷ nhiệm chi, trên tờ Uỷ nhiệm chi phải ghi rõ họ tên người vay và người được vay (người lao động), nội dung vay và đóng dấu Ngân hàng.
Chuyển tiền vay:
– Số tiền gia đình lao động vay từ Ngân hàng sẽ được chuyển thẳng vào tài khoản của Công ty xuất khẩu lao động mở tại Ngân hàng tương ứng.
– Mức tiền người lao động vay dưới 30 triệu đồng thì không cần phải thế chấp tài sản.
Bình luận