1 tháng gần 10.000 người làm thủ tục trợ cấp thất nghiệp
Thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, tính đến tháng 5, có gần 34.000 hồ sơ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 9.100 người so với cùng kỳ năm 2022 (tăng 36%).
Đơn vị này đang tổng hợp tình hình hưởng trợ cấp thất nghiệp 6 tháng đầu năm. Về sơ bộ, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 43.574 hồ sơ nộp hưởng trợ cấp thất nghiệp, riêng tháng 6 gần 10.000 hồ sơ.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, những lao động này ít nhất đã mất việc từ tháng 2. Sau khi chưa tìm kiếm được việc làm, họ đến làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, tư vấn, giới thiệu việc làm.
Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, người làm hồ sơ nhận trợ cấp chủ yếu là công nhân làm việc trong các ngành dệt may, điện tử, giày da, sản xuất chế tạo. Lao động bị cắt giảm đã có sự dịch chuyển sang các ngành thâm dụng lao động so với năm trước chủ yếu là du lịch, khách sạn, giao thông vận tải.
Trước đó, Tổng Cục thống kê cho hay, tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề, địa phương cắt giảm đơn hàng đã diễn ra từ quý IV năm 2022 và tiếp tục tiếp diễn sang quý II. Từ đó dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong quý II là khoảng 241.500 người, giảm 52.500 người so với quý trước.
Tình trạng lao động nghỉ giãn việc đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung chủ yếu ở ngành da giày, dệt may.
Một số tỉnh diễn ra tình trạng trên như Bắc Giang (9.300 người), Bình Dương (9.800 người), Quảng Ngãi (10.300 người), Tiền Giang (11.900 người), Bình Phước (17.000 người), Ninh Bình (19.800 người), Thanh Hóa (98.300 người).
Số lao động bị mất việc trong quý II năm 2023 là 217.800 người. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các lao động thuộc các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử, chế biến gỗ.
Làn sóng sa thải vẫn tiếp diễn
Dự báo thị trường lao động nửa cuối năm 2023, ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo chiến lược, Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, thị trường lao động còn phụ thuộc vào việc cập nhật kịch bản tình hình kinh tế – xã hội.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế, các tổ chức đều cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2023 vẫn sẽ còn chịu tác động của tình hình chính trị trên thế giới, lạm phát, giá cả tăng cao…
Theo ông Toàn, khu vực dịch vụ và xây dựng sẽ có những triển vọng tốt về thị trường lao động khi Chính phủ triển khai hiệu quả các gói đầu tư công. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường dẫn đến giảm lao động như may, đồ gỗ, những ngành có giá trị xuất khẩu lớn…
Trong khi đó, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn Hà Nội tập trung chủ yếu là nhu cầu tuyển dụng nhân viên kinh doanh – bán hàng, công nhân lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may, nhân viên dịch vụ nhà hàng khách sạn, nhân viên du lịch lữ hành… Dự báo một số ngành có nhu cầu tuyển dụng tăng cao như: Dịch vụ du lịch và lữ hành; bán buôn và bán lẻ; vận tải, kho bãi.
Bên cạnh đó, sẽ có một số nhóm ngành được dự báo sẽ xuất hiện tình trạng giảm việc làm do thiếu hụt đơn hàng như: Kinh doanh xuất nhập khẩu; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic; chế biến gỗ…
Cũng theo Báo cáo khảo sát khó khăn doanh nghiệp và triển vọng kinh tế cuối năm 2023 của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV), có thể làn sóng sa thải người lao động tiếp diễn ở các tháng cuối năm 2023 do khó khăn vĩ mô và nội tại của doanh nghiệp. Trong đó, khoảng 5.200 trong số gần 9.560 doanh nghiệp được khảo sát cho biết sẽ cắt giảm trên 5% lao động từ nay đến hết năm 2023.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận