Nhiều lao động công nghiệp chế biến, chế tạo nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp

Theo bản tin thị trường lao động Việt Nam quý I/2023, lực lượng lao động toàn quốc đạt 52,2 triệu người, chiếm 68,9% dân số. Con số này tăng khoảng 88.700 người so với quý IV/2022 và tăng hơn một triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo là 26,4%. Đồng thời tỷ lệ nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cũng gia tăng nhanh chóng.

Số lượng người trong độ tuổi lao động có việc làm đạt 51,1 triệu người, tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lao động ngành dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt 39%, ngành công nghiệp xây dựng là 33,9% và ngành nông lâm thủy sản là 27,1%.

Hơn 1,05 triệu người thất nghiệp, ghi nhận mốc tỷ lệ 2,25% trong độ tuổi. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vào quý I/2023 là 7,61%, và tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị cùng thời gian là 9,46%.

Nhiều lao động công nghiệp chế biến, chế tạo nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp - 1
Tính đến hết quý I/2023, lực lượng lao động đạt 52,2 triệu người, trong đó có hơn triệu người thất nghiệp, chiếm tỷ lệ 2,25% (Ảnh: Hữu Khoa).

Thống kê cũng cho thấy gần 900.000 người trong độ tuổi thiếu việc làm trong 3 tháng đầu năm 2023, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022. Thu nhập trung bình của lao động làm công hưởng lương là 7,9 triệu đồng, trong đó, nếu xét về giới, thu nhập trung bình của nam lao động đạt 8,3 triệu đồng, cao hơn một triệu đồng so với lao động là nữ giới.

So với quý IV/2022, ngành công nghiệp chế biến chế tạo có lượng lao động tăng thêm nhiều nhất, với hơn nửa triệu việc làm mới. Du lịch hồi phục sau dịch Covid-19 cũng đem lại cho ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống thêm 479.000 lao động trong 3 tháng đầu năm 2023, tuy nhiên, mức tăng tính chung trong 12 tháng của ngành này chỉ đạt hơn 210.000 việc làm. Ở chiều ngược lại, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản mất nhiều nhân sự nhất, với hơn 480.000 người.

Báo cáo của Vụ bảo hiểm xã hội cho hay tính đến ngày 31/3, cả nước có hơn 17,4 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tương ứng 37,42% lực lượng lao động. Như vậy, sau 12 tháng, số lượng người tham gia bảo hiểm trong cả nước tăng thêm hơn 740.000 người, trong đó, trên 99,9% là tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Cả nước hiện có 3,3 triệu lượt người hưởng lương hưu và chế độ bảo hiểm xã hội hàng tháng, hơn 2,1 triệu lượt hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi và 270.000 lượt hưởng trợ cấp một lần.

Cục Việc làm cho hay, trong quý I/2023, đơn vị này nhận được hơn 205.000 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm hơn 8.000 người so với quý IV/2022 và giảm hơn 2.500 người so với cùng kỳ năm 2022. Cũng trong quý I, gần 170.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, hơn 5.300 người được hỗ trợ học nghề và gần nửa triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm trên cả nước.

Nhiều lao động công nghiệp chế biến, chế tạo nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp - 2
Nhân sự nghề may, thêu và các thợ có liên quan có tỷ lệ nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất trong 3 tháng đầu năm 2023 (Ảnh: Bảo Nam).

Tính về tỷ trọng trong tổng số đăng ký nộp hồ sơ trợ cấp thất nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu thời điểm 3 tháng đầu năm nay, chiếm gần 46% tổng số hồ sơ. Trong khi đó, nhân sự làm trong nghề thợ may, thêu và các thợ có liên quan nộp hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp nhiều nhất, chiếm 26,4%; tiếp theo là thợ lắp ráp, nhân viên bán hàng, kỹ thuật viên điện tử và kế toán.

Qua phân tích dữ liệu đăng ký tuyển dụng của doanh nghiệp và người lao động tìm việc làm từ internet trong quý I, cả nước có gần 17.000 lượt doanh nghiệp đăng ký tìm kiếm nhân sự mới với chỉ tiêu hơn 75.000 lao động. Gần 50% doanh nghiệp đăng tuyển yêu cầu nhân sự có trình độ đại học trở lên, 42,3% yêu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; và chỉ có 8,3% doanh nghiệp không có lưu ý về bằng cấp chuyên môn kỹ thuật của ứng viên khi tuyển dụng.

Vị trí có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất vẫn là nhân viên, chiếm tới 72,4%, trong khi đó hơn 19% là vị trí quản lý bậc trung và chỉ có 8,4% là quản lý cấp cao.

Ở chiều ngược lại, có hơn 72.400 lao động chủ động đăng tuyển để tìm kiếm công việc mới. Về trình độ, tỷ lệ người lao động có trình độ đại học tìm việc khá tương đồng với nhu cầu của các doanh nghiệp, tương ứng 45,6%. Tuy nhiên, hơn 1/3 số lao động tìm việc không khai báo chứng chỉ hoặc bằng cấp đi kèm. Hơn 40% người lao động đăng ký tìm việc trên các kênh tuyển dụng internet mong muốn mức lương 5-10 triệu đồng/tháng, chỉ có 27% kỳ vọng có từ 10 đến 15 triệu đồng/tháng.

Nguồn: Dân Trí.

Bình luận