Sống tù túng, ngột ngạt vì… lương
Nhận tin nhắn “ting, ting” báo lương vào tài khoản, anh Đặng Hoàng Dũng, 39 tuổi, ở quận 12, TPHCM phấn chấn đôi chút vì nhận được 8,9 triệu đồng tháng này, do có thêm khoản mừng sinh nhật 200.000 đồng.
Dù vậy, chỉ 2 tiếng sau, tài khoản của anh lại bị tự động trừ 4,7 triệu đồng trả góp tiền mua căn hộ nhà ở xã hội.
Làm nhân viên kho tại một công ty phân phối hàng dân dụng, sau 4 năm gắn bó, mức lương của anh Dũng từ 6 triệu tăng lên 8,2 triệu đồng, thêm trợ cấp 500.000 đồng mỗi tháng.
Tháng nào hàng về nhiều, tăng giờ làm hoặc tham gia hỗ trợ các bộ phận quay clip, giới thiệu sản phẩm, anh có thêm khoản “bồi dưỡng” 1 – 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, phần thu nhập này giờ đã trở nên xa vời khi đơn hàng giảm, doanh thu kém.
Trong gia đình, anh Dũng nhận trách nhiệm trả góp ngân hàng tiền mua căn hộ nhà ở xã hội, hiện đóng 4,7 triệu đồng/tháng. Năm rồi, vợ anh “gửi” thêm cho chồng khoản thanh toán tiền mua bảo hiểm trong nhà hơn 13 triệu đồng/năm.
Hàng tháng, sau khi trừ những khoản chi tiêu bắt buộc, anh Dũng chỉ còn lại hơn 2 triệu đồng cho mọi nhu cầu mua sắm, xăng xe, hiếu hỉ hoặc các khoản phát sinh cho con ăn học.
Ông bố 2 con chua chát kể, anh từng làm việc ở nhiều nơi, từ khu công nghiệp đến các công ty dịch vụ. Cũng có những thời điểm, anh nhận mức lương khá hơn hiện tại nhưng công việc không phù hợp.
Anh cũng từng theo bạn bè khởi nghiệp, đầu tư cái này cái nọ mà thất bại, còn ôm thêm cục nợ. Mang tâm lý “chim sợ cành cong”, lâu nay anh trở nên “an phận” với công việc có mức lương thấp.
Có thời gian anh chạy xe ôm công nghệ nhưng gặp tai nạn rồi nghỉ, đi ship hàng cho vợ bán đồ online thì tình hình khó khăn, đơn hàng ngày một kém… Hơn nữa, nếu chạy vạy bên ngoài, anh lại không thể ở bên cạnh kèm cặp, hỗ trợ con cái học hành.
Công việc, môi trường hiện tại phù hợp với tính cách, sở thích của anh, lại gần nhà, tiện cho anh đưa đón con đi học. Anh Dũng chăm chỉ, chịu khó, thật thà, được sếp và đồng nghiệp quý mến nhưng có điều, chế độ chỉ trong mức đó.
Đôi lúc anh nghĩ, đến tuổi mình người ta đã ông nọ bà kia, rồi nghe các bạn trẻ mới ra trường lương toàn “ngàn” USD, anh Dũng ngậm ngùi, bất lực, thấy mình bất tài. Lương thấp, cơ hội không có, anh nói tương lai phía trước mình tăm tối.
Cuộc sống gia đình cũng vì thiếu thốn tiền bạc trở nên tù túng, ngột ngạt. Mua gì cho con, vợ chồng anh cũng phải tính toán từng chút, con muốn đi học năng khiếu này kia cũng chịu vì… bố mẹ không có tiền. Những khi có hiếu hỉ hay vợ chia phần đóng tiền học thêm cho con, anh lại phải đi vay mượn.
“Từ ngày có con đến nay đã 9 năm, gia đình tôi chưa đi du lịch ngoài thành phố. Tiền đâu mà đi”, ông bố nói.
“Bẫy thu nhập thấp”
Làm việc trong lĩnh vực xuất bản, anh Trần Đức T., 41 tuổi, ở TPHCM cho biết, thu nhập tất tần tật các khoản của anh chưa đến 10 triệu đồng. Gia đình thuê nhà trọ, mỗi tháng đều ngốn mấy triệu rồi nên các khoản chi tiêu còn lại luôn phải căn ke, tính toán không là hụt ngay.
Hàng tháng, anh đưa vợ 7,5 triệu đồng, số còn lại gần như anh chỉ vừa đủ cho tiền xăng xe, lâu lâu ăn trưa bên ngoài hay vài ba khoản lặt vặt.
“Hôm rồi con gái tôi bị gãy mấy chiếc răng phải làm lại, chi phí vợ chồng chia nhau mỗi người 2,5 triệu đồng, tôi phải đi vay tạm đồng nghiệp. Tháng nào sửa, bảo dưỡng xe là cũng sạch tiền”, anh T. chán ngán về cảnh “giật gấu vá vai”.
“Lương thấp thì tìm việc lương cao hơn”, lý thuyết cơ bản đó không hề đơn giản với người đàn ông này. Nhiều lần anh lưỡng lự không nỡ xa nơi mình đã gắn bó. Đầu năm nay, khi quyết tâm lên cao bối cảnh chung lại rất khó xin việc, tuổi anh không dễ gì cạnh tranh.
“Tôi có tìm một vài nơi nhưng lương khởi điểm còn thấp hơn chỗ hiện tại. Trong lĩnh vực này, mức lương có khung nhất định rồi, khó đột biến, trừ khi làm sếp”, anh T. nói.
Ông bố không còn trẻ thẳng thắn cho biết, anh cũng thường xuyên rơi vào cảnh túng thiếu cùng áp lực tâm lý nặng nề, nhất là mỗi dịp cuối hè, khi con đang chuẩn bị bước vào năm học mới, hàng loạt chi phí học hành đang chờ. Chưa kể, bố mẹ ở quê báo sắp tới cần góp 10 triệu đồng xây mộ, anh T. không khỏi căng thẳng.
Những người được gọi là “trụ cột gia đình” đang chật vật xoay xở với mức lương thấp như anh Dũng, anh T. không phải số ít. Thực tế, rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực người lao động đi làm lâu năm cũng o ép trong mức lương bèo bọt, nhất là so với chi phí sinh hoạt không ngừng leo thang.
Đi cùng đó là những gánh nặng, lo toan cùng áp lực tâm lý “đàn ông xây nhà” đối với không ít người.
Thống kê mới đây về mức thu nhập trung bình của người lao động Việt Nam ở khoảng 7 triệu đồng/tháng (tức hơn 300 USD), thấp hơn nhiều so với trong khu vực (1.992 USD) và thế giới (2.114 USD).
Nhân lực giá rẻ không còn là ưu thế trên thị trường đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng, trình độ cao như hiện nay. “Bẫy thu nhập thấp” cũng là thách thức lớn với hàng chục triệu lao động hiện nay.
Bình luận