Cử nhân, thạc sĩ cũng đi học nghề, học đại học xong vẫn đi học nghề

Cử nhân, thạc sĩ cũng đi học nghề, học đại học xong vẫn đi học nghề. Xu hướng liên thông ngược

Có bằng cử nhân, sau 10 năm gắn bó với một đơn vị truyền thông, chị Phương rơi vào cảnh chán nản vì lúc nào cũng quay cuồng với việc lên ý tưởng mới, viết bài quảng cáo… mà thu nhập không cao. Tâm lý chán việc nặng nề đến nỗi Phương quyết định nộp đơn nghỉ việc khi trong tay chỉ có khoản tiết kiệm nhỏ.

Không muốn làm lại công việc cũ, Phương sử dụng tiền trợ cấp thất nghiệp đi học khóa làm bếp sơ cấp kéo dài 3 tháng. Công việc bếp núc không sử dụng nhiều đầu óc giúp Phương vui vẻ trở lại, thoát khỏi tâm trạng chán nản như trước. Sau 3 tháng tập tành làm bánh, làm món ăn bán online cho bạn bè và các mối quen biết, Phương có thu nhập đủ sống.

Khác với Phương, anh Hiền có kế hoạch chuẩn bị bài bản hơn trước khi đổi nghề. Anh là cử nhân kế toán, làm nhân viên văn phòng ở một tập đoàn lớn với mức lương khá cao nhưng lại thích làm bánh.

Sau thời gian làm việc, anh học làm bánh trên mạng, đi học thực tế trong những ngày nghỉ, rồi làm bánh bán online… Đến khi có mối quen ổn định, Hiền quyết định nghỉ việc văn phòng ở tuổi 33, mở cửa hàng bán bánh để kinh doanh bằng nghề mình yêu thích.

Theo các chuyên gia giáo dục nghề nghiệp, lao động có bằng cấp cao đến trường nghề để học kỹ năng nghề như chị Phương, anh Hiền ngày càng nhiều. Có thể là sau một thời gian vào đời, họ nhận ra công việc đã chọn không phù hợp, muốn thay đổi. Nguyên nhân khác là học nghề được dạy những kỹ năng nghề gắn với một công việc thực tế, học nhanh mà dễ kiếm việc.

Cử nhân, thạc sĩ cũng đi học nghề - 1
Nhiều cử nhân, thạc sĩ chán công việc hành chính chọn nghề bếp để giải tỏa áp lực (Ảnh minh họa: Hải Long).

Theo thạc sĩ Vương Ngọc Bảo Hà, Trưởng Khoa Kinh tế – Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Bạc Liêu, tình trạng này đang xuất hiện ngày càng nhiều và được gọi là xu hướng liên thông ngược, tức là những người có trình độ cao, có bằng thạc sĩ, cử nhân lại đến các trường trung cấp, cao đẳng để học thêm kỹ năng nghề.

Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao (TPHCM) khẳng định, hiện tượng liên thông ngược không hiếm gặp. Năm nào trường ông cũng có nhiều thạc sĩ theo học các lớp kỹ năng nghề sơ cấp, trung cấp, nhất là nghề bếp.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoàng Ánh, Phó hiệu trưởng trường trung cấp Lê Thị Riêng cũng cho biết, trường có nhiều thạc sĩ, cử nhân đăng ký học các lớp dạy nghề, nhất là nghề làm đẹp và bán hàng online.

Tay nghề ngày càng quan trọng

Theo thạc sĩ Vương Ngọc Bảo Hà, sở dĩ nhiều người học đại học xong vẫn đi học nghề vì thị trường lao động hiện nay có mức độ cạnh tranh rất cao, kỹ năng lao động thay đổi từng ngày, giáo trình đại học khó lòng cập nhật kịp nên nhiều cử nhân ra trường phải đến trường nghề học bổ túc kỹ năng để đáp ứng công việc.

Tại trường cao đẳng Bạc Liêu, những ngành yêu cầu cọ xát thực tế nhiều như kế toán, nuôi trồng thủy sản bậc trung cấp thường có nhiều cử nhân cùng ngành đăng ký học để bổ sung kỹ năng nghề thực tế.

Các trường nghề cũng thường tiếp nhận cử nhân ngành kế toán mới ra trường đến học các khóa đào tạo ngắn hạn, nhất là kế toán doanh nghiệp. Nguyên nhân là vì chính sách tài chính, bảng biểu khai báo, các ứng dụng hỗ trợ nghề này đổi mới liên tục. Mà giáo trình đào tạo đại học thường có độ trễ nên khi ra trường làm việc thực tế, các cử nhân không quen nghiệp vụ.

Cử nhân, thạc sĩ cũng đi học nghề - 2
Thẩm mỹ, chăm sóc sắc đẹp là nghề mà nhiều lao động chuyển nghề lựa chọn để khởi nghiệp (Ảnh minh họa: TC NTT).

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, thị trường lao động hiện ngày càng coi trọng kỹ năng nghề hơn là bằng cấp, doanh nghiệp chỉ cần lao động làm được việc chứ không cần biết có bằng cấp cao hay thấp. Mà kỹ năng lao động liên tục thay đổi, người lao động không muốn bị đào thải phải thường xuyên học thêm các kỹ năng mới.

Một nguyên nhân khác là cung cầu thị trường lao động đang tồn tại sự lệch pha nghiêm trọng về trình độ chuyên môn. Trong khi doanh nghiệp cần nhiều lao động trình độ nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) thì ngành đào tạo lại cung cấp nhiều lao động có trình độ đại học trở lên.

Tình trạng này khiến cử nhân ra trường khó tìm việc làm, phải chấp nhận làm các công việc trình độ nghề. Nhưng để làm việc được, họ phải học bổ túc các kỹ năng nghề cần thiết cho công việc.

Bình luận