88% lao động mất việc là người không có tay nghề và… cử nhân đại học

88% lao động mất việc là người không có tay nghề và… cử nhân đại học. Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM (Sở LĐ-TBXH TPHCM), tính đến hết năm 2022, TPHCM có gần 104.000 doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tham gia bảo hiểm thất nghiệp với gần 2,5 triệu lao động.

Trong năm 2022 có 151.721 lao động mất việc, nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN) và 146.285 người đủ điều kiện, đã có quyết định hưởng TCTN.

So với năm 2021, con số này cao hơn rất nhiều (năm 2021 có 113.709 người hưởng TCTN. Nhưng so với năm 2020, con số này không cao (năm 2020 có 188.130 người hưởng TCTN).

88% lao động mất việc là người không có tay nghề và... cử nhân đại học - 1
Lao động mất việc năm 2022 chủ yếu là lao động không có tay nghề và lao động trình độ đại học trở lên (Ảnh minh họa: CTV).

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong 146.285 người mất việc, được hưởng TCTN trong năm 2022 có đến 82.839 người là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ (chiếm tỷ lệ 56,62%); 45.543 người có trình độ đại học và trên đại học (chiếm tỷ lệ 31,14%).

Chỉ có 2.869 người lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc trong năm 2022 (chiếm tỷ lệ 1,96%); trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 người (chiếm tỷ lệ 4,66%) và trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm tỷ lệ 5,62%).

Những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp. Trong khi đó, công việc của lao động có trình độ đại học trở lên và lao động phổ thông không có tay nghề lại không ổn định, tỷ lệ bị mất việc rất cao.

Thực tế thị trường nhân lực cũng cho thấy xu hướng doanh nghiệp cần rất nhiều lao động có trình độ nghề nhưng nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần, còn lao động có trình độ đại học trở lên lại dư thừa.

Khảo sát nhu cầu lao động năm 2022 của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cũng cho thấy, doanh nghiệp có nhu cầu nhân lực trình độ đại học trở lên là 20,19% tổng nhu cầu nhân lực; nhu cầu nhân lực trình độ nghề lại chiếm đến 65,59% (cao đẳng là 19,55%, trung cấp là 28,64%, sơ cấp là 17,4%).

Nhưng thực tế có đến 78,86% tổng số người tìm việc làm có trình độ đại học trở lên. Số người trình độ nghề đi tìm việc chỉ chiếm 18,68% tổng nguồn cung nhân lực (cao đẳng là 13,93%, trung cấp là 3,14%, sơ cấp là 1,61%).

Bình luận