Lương cả tỷ đồng/năm, Doanh nghiệp vẫn “khát” nhân lực, tăng cường tuyển dụng đầu bếp, người chăm sóc trẻ tại Australia

Ông Stuart Campell, Trưởng phòng dạy nghề và đào tạo Trường Shafston College, Australia nhấn mạnh thông tin đó tại chương trình du học nghề Australia do trường này và Tập đoàn Giáo dục và Đầu tư EI tổ chức với 2 nghề hot là người chăm sóc trẻ và tuyển dụng đầu bếp tại Australia

Ông Stuart Campell chia sẻ, một số nghề đang “hot” ở Australia gồm quản lý dự án, hỗ trợ người khuyết tật, đầu bếp, nhà hàng khách sạn, IT…

Lương cả tỷ đồng/năm, Australia vẫn khát đầu bếp, người chăm sóc trẻ - 1
Ông Stuart Campell chia sẻ với nhân lực Việt về thị trường lao động và cơ hội nghề nghiệp tại Australia (Ảnh: T.N).

Đặc biệt, sau dịch bệnh Covid-19, thị trường gần 27 triệu dân này rất cần đầu bếp, nhân lực khách sạn. Bên cạnh đó, nghề chăm sóc trẻ em cũng nằm trong nhóm ngành “khát” nhân lực.

Với du học nghề, theo ông Stuart Campell, người học có cơ hội nhận bằng của Australia được công nhận trên toàn thế giới, không lo thất nghiệp. Sinh viên học nghề được trả lương cho thời gian thực hành, được phép làm thêm bên ngoài 24h mỗi tuần và có thể học lên cao khi có nhu cầu.

“Sinh viên tốt nghiệp cao đẳng đi làm ở Australia có mức lương dao động từ 50.000 – 80.0000 AUD (khoảng từ  800 triệu đồng đến 1,3 tỷ đồng/năm) tùy ngành nghề”, ông Stuart Campell cho biết.

Trước thắc mắc của các bạn trẻ, phụ huynh về cơ hội làm việc ở Australia sau khi tốt nghiệp, ông Stuart Campell thông tin, sau khi kết thúc chương trình học người lao động được ở lại làm việc 2 – 3 năm. Việc tiếp tục ở lại phụ thuộc nhiều vào đặc thù nghề nghiệp, chính sách của chính phủ nhưng ông Stuart Campell cho rằng, Australia hiện rất thiếu nhân lực nên cơ hội rất mở đối với người lao động có tay nghề, bằng cấp.

Nhà quản lý trường học này lưu ý, các bạn trẻ Việt Nam đi học và làm tại Australia cần khắc phục các khó khăn, thách thức về mặt ngôn ngữ, vượt qua hoàn cảnh sống xa nhà và làm quen môi trường mới.

Cộng đồng người Việt tại Australia hiện có khoảng 200 ngàn người làm việc và sinh sống. Ông Dư Trọng Tín, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Khoa học và Công nghệ Sài Gòn cho hay, lao động Việt hướng đến thị trường Australia vì đây là đất nước có chất lượng sống tốt, yên bình. Lao động Việt ở Australia cũng có cơ hội phát triển tốt khi họ có tố chất chăm chỉ, chịu khó, cần cù và biết tích lũy.

Lương cả tỷ đồng/năm, Australia vẫn khát đầu bếp, người chăm sóc trẻ - 2
Thị trường lao động ở Australia cũng có nhu cầu lớn về nhân lực ngành nhà hàng, khách sạn (Ảnh minh họa: P.N).

Hiện nay, du học nghề ở Australia có mức học phí dao động từ 100 – 300 triệu đồng/năm tùy ngành nghề và cơ sở, ông Dư Trọng Tín nêu ra hai vấn đề cần quan tâm là tạo điều kiện về chi phí học tập tốt nhất cho các bạn trẻ Việt Nam và cơ hội ở lại Australia làm việc và sinh sống.

Ông Tín cũng chia sẻ, nếu có điều kiện, các bạn trẻ Việt sang Australia du học nghề hãy cố gắng dành thời gian đầu tư cho việc học nâng cao trình độ nghề nghiệp, để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao khi gia nhập thị trường lao động với nhiều cơ hội. Còn những gia đình không có điều kiện, sinh viên phải tự trang trải cuộc sống cũng cần biết “điểm dừng” khi làm thêm để chú tâm vào việc học.

Không có cách nào khác, chỉ có không ngừng học tập nâng cao trình độ mới cải thiện được chất lượng lao động Việt ở bất kỳ môi trường nào, quốc gia nào.

Nghiên cứu của National Centre For Vocational Education Research (NCVER) cung cấp các dự đoán về các triển vọng nghề nghiệp cho những người mới gia nhập thị trường lao động Australia giai đoạn 2019-2024 cho thấy, đến năm 2024, đất nước này mỗi năm có gần 517.000 việc làm mới.

Lương cả tỷ đồng/năm, Australia vẫn khát đầu bếp, người chăm sóc trẻ - 3
Anh Duy Nam – người có mức thu nhập gấp 20 lần so với ở VIệt Nam khi sang Australia làm việc – cùng bạn bè người Việt (Ảnh: NVCC).

Xu hướng chuyển đổi ngành nghề lên những công việc có hàm lượng trí tuệ cao đang ngày càng tăng trong thị trường lao động tại Australia. Trong đó, nhu cầu của các ngành nghề chuyên nghiệp là cao nhất, với 121.700 lao động mỗi năm. Các vị trí quản lý đứng thứ 2 trong số những ngành nghề có nhu cầu cao khi được dự báo sẽ cần khoảng 71.300 lao động mỗi năm. Vị trí nhân viên kỹ thuật và công nhân nghề cần 57.800 lao động mới mỗi năm.

Trong nhóm ngành dịch vụ cá nhân và cộng đồng, nhân viên chăm sóc và trợ lí cá nhân và nhân viên bệnh viện là hai ngành nghề có nhu cầu lao động cao nhất trong vòng 5 năm sắp tới, với số lượng lao động mới cần có mỗi năm lần lượt là 13.600 và 20.400 người.

Bình luận