Chú Tính, nhân viên bảo vệ kiêm giữ xe của một quán cà phê lớn tại huyện Củ Chi (TPHCM) cho biết, ca làm của chú kéo dài từ 5h cho đến 15h hàng ngày. Mức lương chú nhận là 4,7 triệu đồng/tháng, vừa đủ cao hơn mức lương tối thiểu vùng I theo quy định của nhà nước. Lương của lao động ở TPHCM thấp hơn Hà Nội 3 triệu đồng/tháng
Theo thống kê của các đơn vị cung ứng nhân lực, mức lương thấp như trên khá phổ biến đối với các vị trí việc làm dành cho lao động phổ thông ở TPHCM. Từ kết quả thống kê năm 2022, nền tảng tìm việc và tuyển dụng Việc làm tốt ghi nhận, mặt bằng lương của các nhóm ngành lao động phổ thông tại TPHCM thấp hơn khá nhiều so với Hà Nội.
Diễn biến xuyên suốt năm 2022, mức lương của lao động phổ thông ở Hà Nội có xu hướng tăng và luôn cao hơn so với mức bình quân tại TPHCM. Thu nhập của lao động phổ thông tại TPHCM không chỉ thấp mà càng về cuối năm lại càng giảm so với thời điểm quý II/2022.
Cụ thể, mức lương đầu năm 2022 của lao động phổ thông ở Hà Nội là 9,9 triệu đồng/tháng thì ở TPHCM chỉ là 8,1 triệu đồng/tháng. Sang quý II/2022, lương lao động phổ thông ở TPHCM tăng lên 8,5 triệu đồng/tháng, ở Hà Nội giảm một chút còn 9,8 triệu đồng/tháng. Đến cuối năm 2022, lương lao động phổ thông ở TPHCM giảm còn 8 triệu đồng/tháng, ở Hà Nội lại tăng đến 11,1 triệu đồng/tháng.
Theo báo cáo thị trường lao động năm 2022 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023 tại TPHCM của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi), mức lương của lao động phổ thông cũng rất thấp.
Cụ thể, hơn 50% nhu cầu tuyển dụng lao động mới trong năm 2022 của doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM (137.000 chỗ làm việc) có mức lương chỉ dao động từ 5 – 10 triệu đồng/tháng với các vị trí làm việc như: nhân viên giới thiệu dịch vụ, tư vấn tuyển sinh, quản lý lớp học, tư vấn giáo dục, công nhân may, chăm sóc khách hàng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kho…
Thậm chí, hơn 6% chỗ làm mà doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng (17.000 chỗ làm việc). Vị trí việc làm có mức lương này chủ yếu là phục vụ, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên bán thời gian, nhân viên bán hàng siêu thị, phụ bếp, phụ xe, cộng tác viên nhập liệu…
Theo bà Trần Minh Ngọc, Giám đốc Việc làm tốt, lao động phổ thông tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam (TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai) chỉ có 3 nhóm ngành đang có mức lương cao hơn mức trung bình của thị trường là nhân viên chăm sóc khách hàng/bán hàng qua điện thoại, công nhân nhà máy và bảo vệ. Trong đó, nhóm ngành nhân viên chăm sóc khách hàng/bán hàng qua điện thoại có mức lương trung bình và mức tăng trưởng tích cực nhất so với năm 2021.
Nhân viên giao nhận, vận chuyển (shipper) là khu vực “nóng” vào cuối năm 2021, nhu cầu tăng rất cao trong giai đoạn từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022. Tuy nhiên, nhu cầu về shipper đã hạ nhiệt trong năm 2022, mức tuyển dụng trực tuyến trong tháng 12/2022 thấp hơn tới 78% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, các yếu tố như chi phí xăng dầu và thay đổi chính sách trong ngành đã tác động khiến thu nhập của nhân viên ngành này kém hấp dẫn hơn so với năm trước.
Các vị trí công việc như nhân viên phục vụ, phụ bếp, tạp vụ, pha chế… có mức lương trung bình tăng trong năm 2022 nhưng tỷ lệ tăng không cao. Tuy nhiên, mức lương nhóm công việc này được dự báo sẽ tăng từ 5-10% trong năm 2023 nhờ vào sự phục hồi về thương mại dịch vụ du lịch của thị trường nội địa khiến nhu cầu nhân sự tăng trưởng trong giai đoạn nửa đầu 2023.
Bình luận