Mục tiêu tạo việc làm mới cho 17.000 người lao động

Thông tin với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 6 tháng đầu năm địa phương này đã giải quyết việc làm cho khoảng 11.000 người (đạt 64% kế hoạch năm).

Mục tiêu tạo việc làm mới cho 17.000 người lao động - 1
6 tháng đầu năm, Vĩnh Phúc đã tạo việc làm cho khoảng 11.000 người, đạt 64% kế hoạch năm (Ảnh: Thu Thủy).

Vĩnh Phúc đã tổ chức 16 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất, bảo hiểm xã hội… cho 1.600 người lao động tại 8 doanh nghiệp trên địa bàn.

Tổ chức 3 hội nghị tuyên truyền quy định của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội, kỷ luật lao động và trách nhiệm và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động cho học sinh năm cuối của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Yên Lạc và Lập Thạch…

10 hội nghị tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cũng được tổ chức tại các xã, phường  trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, Tam Đảo, Sông Lô và Yên Lạc.

Từ nay tới cuối năm, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tạo ra nhiều việc làm tăng thêm đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm cho người lao động; chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, tăng lao động trong ngành dịch vụ, công nghệ cao, giảm dần lao động có trình độ thấp, lao động phổ thông.

Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ tạo việc làm tăng thêm cho 16.000-17.000 người, trong đó đưa 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tuyển mới giáo dục nghề nghiệp đạt 25.500 người, trong đó, trình độ cao đẳng 1.500 người, trung cấp 5.500 người, sơ cấp 18.500 người.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,7%, giảm 0,29% so với năm 2022. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,4% (giảm 0,35% so với năm 2022) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025…

Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, ưu tiên các đối tượng nghèo thuộc vùng khó khăn, đối tượng nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số; đối tượng hộ nghèo bảo trợ xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về công tác giảm nghèo ở vùng nông thôn, khu vực khó khăn.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục tổ chức có hiệu quả các chiến lược, chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm, dự án, đề án về việc làm, hỗ trợ tạo việc làm, phát triển thị trường lao động, dịch vụ việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, tuyển dụng và quản lý lao động tại Việt Nam, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Hướng dẫn và tổ chức thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về lao động, tiền lương. Quản lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân… thuộc phạm vi chuyên ngành, lĩnh vực.

Cơ quan này dự kiến tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và thực hiện tốt nhiệm vụ công tác về  bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Bình luận