“Xử lý triệt để tình trạng nợ lương, chậm đóng bảo hiểm cho người lao động”

Ngày 27/9, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp và công nhân lao động năm 2023. Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Hoàng Anh… chủ trì buổi đối thoại.

Xử lý triệt để tình trạng nợ lương, chậm đóng bảo hiểm cho người lao động - 1
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan phát biểu tại buổi đối thoại (Ảnh: Thanh Nga).

Báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, những năm qua địa phương này luôn quan tâm đến công tác giải quyết việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Năm 2022, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã phê duyệt Đề án nâng cao đời sống công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2026. 9 tháng năm nay, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 15.000 lao động.

Vĩnh Phúc cũng ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi giải trí dành cho người lao động. Các cấp công đoàn trích Quỹ Vì công nhân, lao động nghèo hỗ trợ kinh phí xây dựng “mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức ký kết chương trình phối hợp và thỏa thuận hợp tác nâng cao phúc lợi cho đoàn viên và người lao động…

Những hoạt động đó đã tạo động lực để người lao động tích cực làm việc, yên tâm công tác, gắn bó với nghề và nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất và kinh doanh.

Tại buổi đối thoại, đại diện các doanh nghiệp, người lao động đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm, nhà ở, y tế, giáo dục, văn hóa – thể thao; công tác tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, khó khăn trong thành lập tổ chức công đoàn, phát triển Đảng,…

Đại diện Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc khẳng định đã triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, nhất là duy trì tốt sàn giao dịch việc làm.

Cơ quan này cũng liên kết, thu hút lao động từ tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang… về làm việc tại các doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động nắm bắt nhu cầu tuyển dụng lao động để có hướng đào tạo nghề phù hợp.

Hiện mức lương bình quân của lao động trong doanh nghiệp ở Vĩnh Phúc là 7,2 triệu đồng/người/tháng, cao hơn bình quân năm 2022.

Thời gian tới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ thuê, mua nhà, trợ giá xe buýt, đào tạo nghề cho người lao động.

Cấm xuất cảnh chủ doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Lãnh đạo Bảo hiểm Xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đã giải đáp nhóm câu hỏi liên quan đến xử lý tình trạng nợ lương, chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền trên 104 tỷ đồng của 298 đơn vị.

Ngoài việc đôn đốc, “mời lên làm việc”, cơ quan bảo hiểm sẽ tổ chức thanh tra đột xuất tại các đơn vị chây ỳ, cố tình chậm đóng, thậm chí kiến nghị công an khởi tố các đơn vị có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm.

Xử lý triệt để tình trạng nợ lương, chậm đóng bảo hiểm cho người lao động - 2
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan tham quan nhà máy, tặng quà cho công nhân, lao động Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức trước buổi đối thoại diễn ra tại trụ sở doanh nghiệp này (Ảnh: Thanh Nga).

Thông tin thêm, ông Vũ Việt Văn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ngay sau buổi đối thoại, tỉnh sẽ làm việc với các sở, ban, ngành để yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp vi phạm hoặc kiến nghị khởi kiện đối với doanh nghiệp có dấu hiệu trốn đóng bảo hiểm.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp và ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Vĩnh Phúc đang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về công tác phát triển Đảng, nhất là phát triển Đảng trong doanh nghiệp FDI.

Bà Lan yêu cầu ngay sau buổi đối thoại UBND tỉnh Vĩnh Phúc có báo cáo đánh giá chung về tình hình lương, tình trạng nợ lương, chậm đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp. Từ đó có những dự báo, giải pháp siết chặt công tác thanh tra, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm.

Các doanh nghiệp có nhiều thành tích, đóng góp với sự phát triển của tỉnh Vĩnh Phúc, có các giải pháp giữ chân, thu hút người lao động phải kịp thời biểu dương.

Nữ Bí thư tỉnh ủy yêu cầu các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định pháp luật và quan tâm, có kế hoạch cụ thể bảo đảm thu nhập, tiền lương, thưởng cho người lao động. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, khẳng định chỗ đứng trên thị trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh này.

Đối với các tổ chức công đoàn, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị tăng cường nắm bắt tình hình, thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Bình luận