Xã hội chưa xem trọng các cấp bậc dạy nghề

Ngày 8/8, Hội Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM tổ chức sơ kết giữa nhiệm kỳ IV (2020 – 2025). Tại đại hội, các đại biểu tập trung thảo luận về công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh học nghề.

Từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2023, Hội GDNN TPHCM đã triển khai hàng loạt chương trình tư vấn hướng nghiệp như ngày hội hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh các trường ở TPHCM; thực hiện hàng tuần livestream chủ đề tư vấn, hướng nghiệp với Đoàn Thanh niên các tỉnh, thành phía Nam; tham gia các đoàn hướng nghiệp đến hơn 100 trường THPT và THCS tư vấn trên 70.000 học sinh…

Xã hội chưa xem trọng các cấp bậc dạy nghề - 1
Các đại biểu tập trung thảo luận về công tác hướng nghiệp, phân luồng cho học sinh học nghề (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội GDNN TPHCM, công tác hướng nghiệp với mục đích hướng dẫn học sinh chọn nghề phù hợp với yêu cầu phát triển của xã hội, đồng thời phù hợp với thể lực và năng khiếu của cá nhân. Công tác này góp phần phân công và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực.

Với định hướng tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội của Chính phủ, những năm qua, hoạt động hướng nghiệp và phân luồng học sinh học nghề được quan tâm đẩy mạnh nên có nhiều kết quả tích cực, quy mô ngày càng mở rộng.

Ông nói: “Công tác hướng nghiệp đã góp phần làm thay đổi tâm lý của phụ huynh trong việc lựa chọn ngành nghề cho con em; bớt các lựa chọn thuần túy theo sở thích của mình, theo cảm tính của học sinh và chưa đi theo nhu cầu cần thiết của xã hội”.

Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận thực tế là tâm lý ưa chuộng bằng cấp vẫn còn nặng nề, xu hướng xã hội hiện nay vẫn chưa xem trọng các cấp bậc học nghề như cao đẳng, trung cấp, sơ cấp…

“Điều này là yếu tố khách quan của xã hội nhưng đồng thời là áp lực đối với việc cân đối cung cầu lao động trên địa bàn TPHCM”, ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Xã hội chưa xem trọng các cấp bậc dạy nghề - 2
Hiện xu hướng xã hội chưa xem trọng các cấp bậc học nghề như cao đẳng, trung cấp, sơ cấp… (Ảnh minh họa: BKC).

Ông Tuấn giải thích thêm: “Trong các giải pháp quan trọng về phát triển nguồn nhân lực thì định hướng nghề nghiệp là khâu quan trọng nhất đối với thanh niên và học sinh hiện nay, nhằm tạo ra sự cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành, các cấp bậc học”.

Tuy nhiên, tâm lý chuộng bằng cấp, không xem trọng học nghề khiến tỷ lệ học sinh theo con đường đại học rất cao, ít người chọn học nghề. Từ xu hướng này dẫn đến hệ quả là cử nhân đại học ra trường thất nghiệp nhiều, khó tìm việc; trong khi đó, doanh nghiệp cần lao động có tay nghề lại khó tuyển dụng.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM có nhu cầu tuyển dụng gần 36.000 lao động trình độ cao đẳng, gần 38.000 lao động trình độ trung cấp và gần 29.000 lao động trình độ sơ cấp.

Tuy nhiên, chỉ có gần 7.000 lao động trình độ cao đẳng, gần 1.400 lao động trình độ trung cấp và 258 lao động trình độ sơ cấp đăng ký tìm việc. Nguồn cung quá thấp so với nhu cầu thị trường.

Trong khi đó, nhóm lao động có trình độ đại học trở lên tham gia tìm việc làm là hơn 64.000 người (chiếm hơn 84% tổng số lao động đăng ký tìm việc), còn số chỗ việc làm trình độ đại học mà doanh nghiệp muốn tuyển dụng chỉ là hơn 30.000.

Xã hội chưa xem trọng các cấp bậc dạy nghề - 3
Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và nguồn cung của thị trường đang có sự chênh lệch về trình độ chuyên môn (Nguồn: Falmi).

Xu hướng này còn khiến các cơ sở GDNN rất khó tuyển sinh. Tại đại hội, thầy Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn, thông báo tin mừng là đến hiện tại, trường đã tuyển sinh đạt 70% chỉ tiêu năm.

Tuy nhiên, theo ông Đặng Minh Sự, nguyên Trưởng phòng GDNN thuộc sở LĐ-TB&XH TPHCM, đó chỉ là trường hợp hiếm hoi vì hiện có một vài trường đang lo lắng do tuyển được rất ít, không đủ học sinh để mở lớp.

Bình luận