Đừng để công nhân sợ… nhà ở công nhân. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh Long An về tình hình việc làm, lương, thưởng Tết, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá cao những kết quả địa phương đã đạt được trong năm 2022 khi ổn định lao động cho gần 1 triệu lao động.
“Tỷ lệ công nhân mất việc, ngưng việc ở mức thấp (1.500 người), tranh chấp lao động giảm mạnh, chỉ 1 vụ. Dự kiến quý 1/2023, Long An có nhu cầu tuyển dụng gần 2.000 lao động là tín hiệu đáng mừng. Hầu hết các doanh nghiệp đều thưởng Tết cho người lao động sẽ giúp người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn”, Thứ trưởng nhận định.
Tuy nhiên, ông Thanh cũng cho rằng, lực lượng lao động ở Long An đang phân phối chưa thực sự đồng đều khi có gần 84% là lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 73% nhưng chỉ 32% có chứng chỉ. Nếu không nâng cao chất lượng lao động, Long An khó đáp ứng được nhu cần nhân lực công nghệ cao.
“Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ Việc làm phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo lao động. Khi trình độ lao động nâng cao thì thu nhập sẽ tăng theo, khi đó họ mới gắn bó lâu dài với Long An. Tâm lý người lao động là muốn đi làm ngay, kiếm tiền ngay nên ngại đi học, do vậy, công tác tuyên truyền phải thật tốt, thực tế để người lao động hiểu”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh, đề nghị.
Ông Thanh cũng lưu ý, Long An cần quan tâm hơn đến đời sống an sinh của lao động phi chính thức. Trong số gần 1 triệu lao động ở Long An có đến 2/3 là lao động phi chính thức. Đây thực sự là con số rất lớn nên cần phải có cơ chế hỗ trợ để nâng cao năng suất lao động, hướng tới lao động chính thức.
“Tôi rất hoan nghênh những chính sách nhà ở cho người lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Tỉnh đã đưa vào hoạt động 4/17 dự án nhà dành cho công nhân. Đây thực sự là chính sách tốt, đón đầu nhà đầu tư trong thời gian tới. Tuy vậy, việc xây dựng nhà ở cho công nhân cũng cần linh hoạt, an toàn, tránh tình trạng người lao động sợ… nhà ở công nhân”, Thứ trưởng chia sẻ thêm.
Cùng với đó, Long An cũng cần có những cơ chế giám sát, kiểm tra tình hình tăng lương tối thiểu của các doanh nghiệp. Tránh tình trạng doanh nghiệp không tăng lương hoặc tăng lương một cách chống đối, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động. Đặc biệt, trong dịp Tết phải nắm bắt sâu sát tình hình lương, thưởng…
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Long An, địa bàn có hơn 15.000 doanh nghiệp với hơn 350.000 lao động. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên là 992,7 ngàn người, trong đó 16,4% là lao động ở thành thị, 83,6% ở nông thôn. Dự kiến đến năm 2025, tỉnh sẽ kêu gọi đầu tư 160.000 căn nhà ở cho công nhân và người khó khăn.
Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH và các Bộ, ngành sớm có hướng dẫn, bổ sung những quy định pháp lý để giải quyết, ngăn chặn tình trạng chủ doanh nghiệp nợ lương, BHXH, bỏ trốn, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Bình luận