Đây là phản ánh dường như là nghịch lý của một doanh nghiệp tuyển dụng trong bối cảnh hàng trăm nghìn công nhân mất việc, lao động chật vật đi xin việc .Trong số những người thất nghiệp đi tìm việc, nơi cần người cũng chật vật sàng lọc nhưng thực tế, đó hầu hết là những người đã ngoài 35 – 40, tay nghề hạn chế, ngoại ngữ không có. Thứ thiếu hụt trên thị trường hiện tại là nguồn nhân lực chất lượng.
Dân trí tiếp tục “mổ xẻ” hai xu hướng dường như đối ngược nhau trên thị trường lao động trong loạt bài đã đăng tải tuần qua…
Doanh nghiệp “khát” lao động
Đọc lá đơn và bộ hồ sơ xin việc thứ 30, chị Thi thuộc bộ phận tuyển dụng Công ty TNNH AK Vina (khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) thở dài, khi phải gọi điện từ chối. Đơn vị đã đăng tuyển người suốt hơn 2 tháng, với vị trí lao động sản xuất và nhân viên đảm bảo chất lượng (QC). Đến nay, đơn vị đã nhận hơn 30 đơn xin việc nhưng chưa tuyển được một nhân sự nào.
Vị trí tuyển dụng có công việc được mô tả gồm: nắm bắt các yêu cầu về tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng sản phẩm; kiểm tra nguyên liệu và sản phẩm; hiểu biết về hệ thống quản lý chất lượng; hiểu biết về sử dụng thiết bị phòng thí nghiệm…
Chị Thi cho biết, đơn vị đã đăng tải thông báo tuyển dụng lên các trang tin trên mạng và nhận rất nhiều đơn ứng tuyển từ các địa phương như Vũng Tàu, Bình Phước, TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai)… Tuy nhiên, vì nơi ở quá xa công ty, hầu như không ứng viên nào đáp ứng được yêu cầu, các lao động chật vật đi xin việc.
Không những vậy, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất giữa người lao động và đơn vị tuyển dụng.
“Công việc này yêu cầu nhân sự giỏi ngoại ngữ, có thể giao tiếp được. Vì sếp là người Hàn nên nếu không giao tiếp được trong phòng thí nghiệm thì rất khó. Nhân sự ứng tuyển nhìn chung tuổi tác cũng khá cao trong khi chúng tôi chỉ tuyển những người dưới 35 tuổi, ưu tiên ứng viên dưới 30”, cán bộ tuyển dụng này chia sẻ.
Tương tự, đại diện Phòng Nhân sự Công ty TNHH Fashion Garments (KCN BH2, Long Bình, tỉnh Đồng Nai) kể đã phải đăng tuyển lao động từ trước đến sau Tết Nguyên đán 2023 mà mãi vẫn không kiếm đủ 200 người làm việc ở dây chuyền may và một số bộ phận khác.
Vị trí này chỉ yêu cầu cơ bản nhân sự biết đọc, biết viết nhưng những người ứng tuyển vào làm chỉ được vài tháng lại chủ động xin nghỉ việc. Lý do, các công nhân nhận xét tính chất công việc trong dây chuyền may áp lực, không có nhiều “cảm hứng” như ngành điện tử.
Đại diện doanh nghiệp vò đầu than, thực tế, lượng lao động thất nghiệp đang lớn và doanh nghiệp cần tuyển lao động rất nhiều nhưng cả hai phía lại khó giao thoa, gặp nhau.
“Chúng tôi kỳ vọng sẽ nhận được sự hỗ trợ từ địa phương, các đơn vị môi giới để có thể sớm tiếp cận nguồn lao động như mong muốn. Bên cạnh đó, chúng tôi hi vọng người lao động có thể ý thức được thực tế bây giờ có được công việc là điều đáng quý. Người lao động cần phải trân trọng công việc hơn, bởi ngay trong khu công nghiệp này đã có không ít công ty cắt giảm nhân sự”, đại diện của Fashion Garments nói.
Đại diện đơn vị Công ty TNHH Công nghệ Kim loại Châu Á (tỉnh Bình Dương) cũng kể, đã đăng tuyển nhân sự vào giữa tháng 4, nay tiếp tục tuyển dụng thêm. Chỉ cần tuyển lao động phổ thông nên việc chọn người với doanh nghiệp không khó, nhưng khó ở việc làm sao giữ chân người lao động lâu dài.
Theo giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Nai bà Nguyễn Thị Thu Hiền, trong quý I/2023, doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 8.900 lao động trong đó các ngành dệt may, nhuộm, da giày chiếm khoảng 48,66%; cơ khí, điện, điện tử chiếm khoảng 17,21%, còn lại các lĩnh vực khác. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong năm 2022 cho thấy tỉnh này cần khoảng 80.000 – 90.000 lao động.
Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong quý I/2023, đơn vị cũng đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực hàng chục nghìn doanh nghiệp, chỗ làm việc và người có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Dự báo nhu cầu nhân lực quý II/2023, TPHCM sẽ cần khoảng 67.000 – 73.000 nhân công mới.
Công nhân tay trắng đi tìm việc mới
Hoàn thành cuốc xe hiếm hoi trong ngày, anh Nguyễn Công Chính (39 tuổi, ngụ TPHCM) vội xếp mớ tiền lẻ, rồi mở danh sách ghi sẵn, chạy đến một công ty có thông báo tuyển người. Trước đây, anh từng là công nhân với mức lương 12 triệu đồng/tháng.
Hơn 10 năm làm việc bỗng dưng bị sa thải, anh Chính chới với, vừa chạy xe ôm công nghệ để tạm cầm cự vừa đôn đáo đi tìm việc mới. Trời tắt nắng cũng là lúc anh lật đật nộp lá đơn xin việc thứ 5 nhưng vẫn chỉ nhận cái lắc đầu từ chối.
“Quá độ tuổi 30, công nhân chúng tôi khó xin việc lắm. Bản thân là lao động phổ thông, chúng tôi hầu hết chỉ có chút tay nghề, còn trình độ học vấn, ngoại ngữ lại kém. Mất việc lúc này, đúng là tay trắng bắt đầu lại mà khả năng kiếm được việc khó khăn hơn thời trẻ nhiều. Vậy nên làm công nhân, ai nấy đều mong gắn bó lâu dài với công ty để được hưởng lương hưu nhưng thực sự khó…”, anh Chính giọng thảm não.
Nhìn dòng người xếp hàng được nhận việc, anh Chính chỉ ngay những người trẻ được nhận, còn ứng viên độ tuổi ngoài 35-40 như anh đều lủi thủi ra về. Hơn 10 năm công nhân, như vậy, sức lao động gần như không có giá trị tích lũy gì, mất việc là tay trắng.
Thất nghiệp đến nay đã hơn 2 tháng, chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp (37 tuổi, ngụ quận Bình Tân) ứa nước mắt nhìn đứa con mới hơn 4 tuổi. Chị Điệp là mẹ đơn thân, giờ là những tháng ngày sống tạm, nuôi con bằng tiền bảo hiểm thất nghiệp 5 triệu đồng/tháng, lòng như lửa đốt vẫn luôn là lao động chật vật đi xin việc.
Thời gian qua, chị bồng con đi xin việc ở 4 công ty nhưng không nơi nào nhận. “Người ta nói chỉ nhận người dưới 35 tuổi, tôi đã 37 tuổi. Tay nghề của tôi lại không đáp ứng được những quy trình may phức tạp”, chị Điệp thú nhận.
Chị Điệp từ Tiền Giang lên TPHCM làm công nhân tại Công ty TNHH Tỷ Hùng, đến khi mất việc là được 6 năm.
Thực tế, 5 năm là “chu kỳ khai thác tối ưu” với một công nhân, lao động phổ thông với những công việc giản đơn, thâm dụng lao động. Sau thời gian “khai thác hết công suất” đó, những lao động này đứng trước nguy cơ rất cao bị thải loại, sàng lọc, trong khi gần như không có gì tích lũy được thêm, cả về tiền bạc, tay nghề, kỹ năng.
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, một số khu công nghiệp như VSIP 1, Đại Đăng, Sóng Thần 3,… có rất đông người lao động cầm hồ sơ đi xin việc nhưng phần nhiều phải ra về. Lý do, bởi đa phần các công ty rất nhanh đã tuyển đủ nhân sự thay thế những người lao động không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Tháng trước, mạng xã hội từng lan truyền hình ảnh đông nghịt người lao động đứng chen chân để nộp hồ sơ xin việc trước cổng công ty TNHH Midea Consumer Electric Việt Nam, thuộc tập đoàn Midea (khu công nghiệp VSIP 1 ở TP Thuận An). Ít ngày sau đó, lại một đoạn clip ghi lại cảnh hơn 100 lao động xô đẩy nhau, cố nộp hồ sơ xin việc tại công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam khi biết doanh nghiệp này đăng tuyển 200 công nhân.
Ngoài Bắc, tại Bắc Giang, trong một buổi sáng, cũng có rất đông người lao động đứng chật kín cổng công ty Hồng Hải có địa chỉ tại Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên mong tìm việc. Đại diện công ty này cho biết đơn vị đã đăng tin cần tuyển 100 lao động mà ngay trong buổi sáng hôm đó đã có khoảng 1.000 người đã tập trung trước cổng doanh nghiệp để xin việc.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận