Tham gia hội thảo “Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2023 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030″, Tiến sĩ Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Học viện Cán bộ TPHCM), đóng góp tham luận về tình hình lao động tại TPHCM hiện nay so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Trong tham luận, TS. Thùy Trang chỉ ra một thực tế đáng lưu tâm trên thị trường lao động những năm gần đây, là lao động có trình độ nghề hiện tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong các nhóm.
Theo TS. Thùy Trang, đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến thị trường lao động, việc làm tại TPHCM. Tác động rõ nét nhất thể hiện qua việc người lao động bị giảm thời gian làm việc, giảm lương/thu nhập, ngừng việc, mất việc làm…
Số liệu của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, trong 5 năm qua, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trên địa bàn thành phố đều trên 4,5 triệu người mỗi năm, trừ năm cao điểm dịch Covid-19. Năm 2021, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm giảm xuống còn khoảng 4,3 triệu người.
Năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm quay trở lại mốc 4,5 triệu người, tăng gần 200.000 ngàn người so với năm 2021. Tuy nhiên, nếu so sánh với năm 2019 (khi chưa có dịch Covid-19) thì lực lượng lao động vẫn thấp hơn 220.000 người.
Điều đó cho thấy tác động rõ rệt của đại dịch Covid-19 đến lao động, thể hiện xu hướng phục hồi chậm của thị trường lao động.
Trong tham luận, TS. Thùy Trang dẫn con số thất nghiệp trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19 tại TPHCM (năm 2021) là 6,4%, cao hơn rất nhiều giai đoạn trước khi xảy ra dịch Covid-19 là năm 2019 (chỉ ở mức 2,8%).
2021 cũng là năm mà tỷ lệ thất nghiệp tại TPHCM cao hơn rất nhiều so với Hà Nội (6,4% so với 2,68%).
Trong năm 2022, có 146.285 người mất việc, được hưởng trợ cấp thất nghiệp, chiếm 3,25% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên trên toàn thành phố.
Nhìn chung, số người thất nghiệp đã giảm mạnh so với cao điểm dịch nhưng vẫn còn cao hơn so với trước dịch. Điều này cho thấy tác động lâu dài của đại dịch đối với thị trường lao động.
Điều đáng ngạc nhiên là trong số gần 150.000 người mất việc, có 82.839 người là lao động phổ thông, không có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 56,62%). Người có trình độ đại học trở lên là 45.543 trường hợp (chiếm 31,14%).
Trong khi đó, lao động có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp bị mất việc là 2.869 (chỉ bằng 1,96%). Người có trình độ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp là 6.816 (tương đương 4,66%). Người có trình độ cao đẳng nghề, cao đẳng chuyên nghiệp là 8.218 người (chiếm 5,62%).
TS. Thùy Trang nhận định: “Những con số trên cho thấy lao động có trình độ nghề đang có tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong khi đó, lao động có trình độ đại học trở lên và lao động phổ thông không có tay nghề tỷ lệ bị mất việc đều rất cao. Đây là điểm đáng quan tâm về tình hình lao động và việc làm năm 2022 của thành phố”.
Bình luận