Lao động Việt ở Rumani bị “thổi còi” vì đánh bạc, trốn sang nước khác

Ngày 26/1, Bộ LĐ-TB&XH có công văn chỉ đạo các doanh nghiệp rà soát, chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc tại Rumani.

Công văn nêu rõ, từ năm 2018 đến nay, Việt Nam đã đưa gần 11.000 lao động sang làm việc tại Rumani. Đây là thị trường trọng điểm, tiềm năng, thủ tục cấp visa thông thoáng, có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài. Lao động Việt Nam làm việc tại Rumani phần lớn có việc làm và thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, gần đây xảy ra tình trạng lao động Việt Nam làm việc tại Rumani tụ tập uống rượu, đánh bạc, bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc hoặc bị đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ di cư trái phép sang nước khác…. gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người lao động Việt Nam.

Lao động Việt ở Rumani bị thổi còi vì đánh bạc, trốn sang nước khác - 1
Lao động Việt chờ làm thủ tục xuất cảnh (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Để giữ ổn định và phát triển thị trường lao động Rumani, Bộ LĐ-TB&XH quán triệt các doanh nghiệp phái cử thực hiện nghiêm túc việc sàng lọc, lựa chọn những lao động thực sự có nhu cầu đi làm việc tại nước bạn. Doanh nghiệp cần tổ chức đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động đáp ứng yêu cầu của đối tác Rumani.

“Doanh nghiệp không đưa lao động đi làm việc tại Rumani khi chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng lao động”, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu.

Bộ cũng nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện giáo dục định hướng cho người lao động đủ thời lượng và nội dung, trong đó chú trọng về phong tục tập quán, quy định pháp luật nước sở tại và các nội dung người lao động cần tuân thủ theo hợp đồng lao động ký với người sử dụng.

Đồng thời công khai, minh bạch chi phí của người lao động trước khi đi; phổ biến cho người lao động về những rủi ro nếu bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc; chủ động, phòng ngừa các đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ bỏ hợp đồng hoặc di cư sang nước thứ ba.

Trong thời gian người lao động tham gia khóa đào tạo, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu các doanh nghiệp theo dõi, rà soát, loại bỏ những lao động thiếu ý thức kỷ luật, ham cờ bạc, nghiện rượu và những người không thực sự có nhu cầu sang Rumani làm việc.

Đối với lao động bỏ trốn, cơ quan quản lý lao động yêu cầu lập danh sách rà soát theo quê quán (thôn/xóm, xã/phường…) để xác định các địa phương có nhiều lao động bỏ hợp đồng, trốn sang nước thứ ba để có phương án tuyển chọn phù hợp cho các đợt tuyển dụng tiếp theo.

Về công tác quản lý lao động, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu doanh nghiệp xây dựng phương án quản lý lao động hiệu quả, phù hợp với số lượng lao động đưa đi. Những nơi có nhiều lao động Việt Nam cùng làm việc cần quản lý theo mô hình tổ, đội, nhóm nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh để xử lý, giải quyết dứt điểm.

Trao đổi với người sử dụng về các biện pháp giám sát, thực hiện quy chế làm việc, nội quy sinh hoạt đối với người lao động, nhằm hạn chế tình trạng người lao động tụ tập uống rượu, đánh bạc; không để đối tượng xấu có cơ hội lôi kéo, dụ dỗ người lao động bỏ hợp đồng lao động hoặc di cư sang nước thứ ba.

Thông báo tới gia đình, địa phương về việc người lao động bỏ hợp đồng và đề nghị gia đình, địa phương phối hợp vận động, khuyên nhủ người lao động quay trở lại nơi làm việc hoặc trở về Việt Nam, tránh những rủi ro của việc cư trú và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này sẽ thường xuyên thanh tra, kiểm tra để phát hiện, xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

“Doanh nghiệp có hành vi vi phạm sẽ bị đình chỉ có thời hạn, những doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện theo quy định sẽ bị rút giấy phép hoạt động”, công văn của Bộ LĐ-TB&XH nêu rõ.

Nguồn: Dân Trí.

Bình luận