Theo nội dung tin nhắn được chia sẻ, vào năm 2017, người này được một người bạn nhắn tin vay 5 triệu đồng. Sau đó, người này nhiều lần đòi tiền cho vay nhưng người vay đã “bặt vô âm tín”.
Bất ngờ, vào tháng 5/2023, người bạn từng vay tiền liên lạc trở lại. Theo nội dung tin nhắn, người bạn xin lỗi vì thời điểm đó khó khăn, đã vay tiền nhưng không có khả năng trả.
Người lao động trên đã đi sang Nhật Bản làm việc. Sau này có điều kiện, người vay xin lỗi và chuyển trả số tiền lên đến 50 triệu đồng.
Cộng đồng mạng bất ngờ trước số tiền trả nợ cao gấp nhiều lần so với số tiền đã vay. Trao đổi với người đăng tải tin nhắn trên, người này cho biết nội dung trên là hư cấu, đăng tải mang lại niềm vui cho mọi người.
“Hành động vay 5 triệu trả 50 triệu chắc chỉ có trong mơ. Nhưng qua bài đăng này, tôi muốn lấy lại lòng tin về người anh em của mình”, người đăng tải chia sẻ.
Sau câu chuyện này, nhiều người cho rằng đi làm việc nước ngoài cho thu nhập cao, có thể đổi đời. Dù có thể có mức lương cao hơn song thực tế, người lao động làm việc tại nước ngoài cũng phải nỗ lực không ngừng nghỉ, chi tiêu chắt bóp để gửi tiền về quê cho gia đình.
Sang Nhật Bản làm việc được 4 năm, anh N.T.A. (ở Nghệ An) làm chế biến thực phẩm trong nhà máy. Khi mới “chân ướt, chân ráo” sang Nhật, anh tham gia phỏng vấn tuyển dụng, được trả lương ở mức sàn, áp lương tối thiểu theo giờ. Bên cạnh đó, cũng có những đơn vị đưa ra mức trả lương cao hơn.
Sau quá trình đào tạo 2 tháng, ngoài yêu cầu thạo việc, người lao động cũng phải đáp ứng điều kiện giao tiếp được cơ bản với người Nhật để thuận lợi trong quá trình làm việc.
Theo anh A., sau khi đáp ứng được công việc, người lao động có thể đề nghị công ty trả lương cao hơn. Làm việc 8 tiếng trong nhà máy, anh A. có thu nhập từ 32-35 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương khá cao so với những bạn bè của anh làm việc tại đất nước này.
Từ năm 2021 đến nay, đồng Yen Nhật liên tục mất giá. Hiện nay, 1 Yên chỉ tương đương gần 170 đồng, giảm khoảng 30% so với trước đây. Cho nên, những người lao động như anh A. bị thiệt nếu gửi tiền về. Nhiều người, theo đó, găm tiền lại trong giai đoạn này.
Nhìn chung, người lao động xa xứ phải thuê nhà, trả chi phí điện nước. Với những lao động nữ khả năng quản lý chi tiêu tốt, tiết kiệm, mỗi tháng có thể để dành 20 triệu đồng.
“Trước đây, gia đình nào có con đi làm việc nước ngoài luôn được hàng xóm trầm trồ, đồn đoán với thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng”, anh A. chia sẻ.
Nhưng trong bối cảnh hiện nay, khi đồng tiền Nhật bị mất giá, những lao động đi làm việc như anh A. cũng bị giảm thu nhập rõ rệt. Nhiều người nửa năm nay không dám gửi tiền về quê.
Những người lao động Việt Nam làm việc tại Nhật Bản có thu nhập tốt hơn. Song, do nhiều yếu tố khách quan tác động, làm việc tại nước ngoài cũng đối mặt không ít khó khăn, thực tế cũng không hào nhoáng như mọi người tưởng tượng.
Anh A. là một trong hơn 370.000 thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại Nhật. Lao động Việt chiếm khoảng 1/4 lao động nước ngoài đang làm việc tại đây và trở thành lực lượng lao động nước ngoài đông nhất tại đất nước mặt trời mọc.
Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có khoảng 72.300 lao động ra nước ngoài làm việc, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng thị trường Nhật có khoảng 34.500 người.
Nguồn: Dân Trí.
Bình luận