Những ngành nghề tiếp tục cắt giảm lao động

Nửa triệu lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp

Theo Bản tin thị trường lao động quý II vừa được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, cả nước có 52,3 triệu người tham gia thị trường lao động, tăng 100.000 người so với quý I.

Trong đó, số người có việc làm tăng 83.300 người so với quý I. Đáng lưu ý, cả nước có 1,07 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp, tăng 25.400 người so với quý trước.

Có 940.700 người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, tăng 54.900 người so với quý trước.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội dự báo, trong quý III, một số ngành có nhu cầu giảm nhiều việc làm là sản xuất trang phục, dự kiến giảm 123.000 người; nông nghiệp và hoạt động dịch vụ, giảm 78.000 người; bán lẻ giảm 32.000 người.

Những ngành nghề tiếp tục cắt giảm lao động  - 1
Người lao động tìm kiếm việc làm (ảnh minh họa: Sơn Nguyễn).

Thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cũng phần nào kéo tăng số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý II tăng mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, trong quý II, cả nước có 357.513 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 152.385 người so với quý I.

Trong đó, số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 348.715 người, 5.891 người được hỗ trợ học nghề; 670.720 lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Như vậy, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 562.641 người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; hơn 518.500 người có quyết định hưởng; 11.209 người được hỗ trợ học nghề và hơn 1,1 triệu lượt người được tư vấn, giới thiệu việc làm.

Theo bản tin thị trường lao động, số lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp trong quý II vừa qua phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm 68,9%; tiếp theo là nhóm người hưởng có trình độ đại học trở lên, chiếm 13,1%; sơ cấp chiếm 6,8%; cao đẳng 5,8% và trung cấp 5,4%.

Trong quý này, công nghiệp chế biến chế tạo là nhóm ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 45,9%. Sau đó, là nhóm hoạt động dịch vụ khác, với 30,9%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 4,4%; xây dựng chiếm 2,7%; nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm 2,6%.

Trong khi đó, 5 nhóm nghề có người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất gồm: Thợ may, thêu và các thợ có liên quan với 28,2%; thợ lắp ráp 7,8%; nhân viên bán hàng 2,7%; kỹ thuật viên điện tử 2,5%; kế toán 2,4%.

Giải pháp ổn định thị trường lao động

Trước thực trạng trên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu thực hiện các giải pháp ổn định và phát triển thị trường lao động bảo đảm hiện đại, linh hoạt, bền vững và hiệu quả.

Những ngành nghề tiếp tục cắt giảm lao động  - 2
Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối và điều tiết cung – cầu lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; khuyến khích tạo việc làm trong cả khu vực công và khu vực tư, khuyến khích người lao động tìm kiếm việc làm và chuyển đổi việc làm phù hợp với năng lực và sở trường.

Nghiên cứu, có giải pháp, chính sách hỗ trợ chính thức hóa việc làm khu vực phi chính thức; hỗ trợ lao động khu vực phi chính thức chuyển đổi sang chính thức…

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội yêu cầu rà soát, nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động (may mặc, giày da, sản xuất gỗ,…) để có phương án kết nối cung – cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.

Nguồn: Dân Trí.

Bình luận